CVB051

Chất thải nhựa trong trồng trọt: Hiện trạng phát sinh và các quy định pháp luật liên quan

Đăng lúc: 21:05 12/01/2021 | Bởi: Vân Anh | Đã xem: 178
Chất thải nhựa trong trồng trọt: Hiện trạng phát sinh và các quy định pháp luật liên quan
Tại Việt Nam, theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2017, ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất BVTV và phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi.

 

Hiện nay bao bì đựng thuốc BVTV phần lớn là chai nhựa và các túi Polyethylen, đây là các chất Polyethylen khó phân giải. Mỗi bao thuốc trừ sâu sau khi dùng trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khoảng 1,8% lượng thuốc dính vào bao bì. Do khả năng tồn lưu và tính độc hại, các hoá chất này là nguồn ô nhiễm tiềm năng cho môi trường đất nông nghiệp, các thủy hệ sinh thái và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều loại phân bón là dạng chai, lọ, can nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Ngoài bao bì thuốc BVTV và phân bón, việc sử dụng nhà màng, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng gia tăng. Hình thức sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng hiện nay trên cả nước có 327 xã thực hiện, chiếm 5.897,5 ha, chủ yếu tập trung tại Lâm Đồng, riêng Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận có khoảng 4.400 ha nhà kính, 1.200 ha nhà lưới.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay rất chú trọng trong việc sử dụng màng phủ nilon để che phủ cây trồng. Bên cạnh những mặt tích cực mang lại như hạn chế cỏ dại, giữ ẩm đất, thì lâu dài nguy cơ ô nhiễm đất và môi trường từ loại màng phủ nilon này đã trở thành vấn đề đáng báo động. Màng phủ nilon chỉ sử dụng được một vụ, sau đó bị rách nên phải vứt bỏ để thay màng phủ khác. Hàng năm sau khi kết thúc mùa thu hoạch, người dân thường đem số màng nilon bị rách này ra đốt, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Đặc biệt, gặp mùa mưa, số nilon người dân thu gom không hết trôi theo dòng nước làm tắc hệ thống mương máng thoát nước, trôi ra sông cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại các vùng trồng hoa màu, việc sử dụng các loại vật liệu nhựa cũng rất phổ biến như ống nhựa dẫn nước, dây buộc nhựa, túi bảo vệ hoa, quả, bạt che nắng, màng nilon che mưa, chống rét, chống chuột, màng nilon phủ đất, vòi phun nước, vòi nước nhỏ giọt, bình phun, dụng cụ làm từ nhựa cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên chưa có số liệu thống kê cụ thể về những loại chất thải nhựa này.

Có thể thống kê các hoạt động có sử dụng nhựa trong sản xuất nông nghiệp của từng lĩnh vực như sau:

– Với cây lúa, các sản phẩm nhựa được dùng vào theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa như: Nilon phủ cho giai đoạn mạ; nilon quây xung quanh ruộng để chống chuột; Bao bì phân bón trong các lần bón lót, thúc 1, thúc 2 và thúc 3; Bao gói và chai thuốc BVTV từ khi lúa xanh với sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân vào giai đoạn dứng cái, làm đòng và trỗ, rầy nâu và đạo ôn vào giai đoạn sau trỗ đến chính sáp; Các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá…

– Với cây ngô, các sản phẩm nhựa dùng ít hơn lúa, chủ yếu là các loại bao bì phân bón với khối lượng lớn, thuốc BVTV như đục thân, đạo ôn… hoặc các loại bầu nếu trồng ngô bằng bầu;

– Với cây lạc và cây đậu tương: Các vật liệu nhựa chủ yếu là màng phủ đất chống cỏ dại, chống mất nước, giữa ẩm đất, các loại bao bì phân bón, thuốc BVTV và các loại gói chê phẩm vi sinh vật;

– Với cây rau thì các loại nhự được sử dụng là mang nilon phủ đất chống cỏ dại, bốc hơi nước, bảo vệ mặt đất, bao bì phân bón, thuốc BVTV, chế phẩm vi sinh vật, các loại dây buộc, túi đóng gói sản phẩm, hệ thống ống nhựa tưới nước;

– Với các loại hoa thì vật liệu nhựa sử dụng là màng nilon che phủ mặt đất,dây buộc giản đỡ hoa, các loại dây buộc cây, màng chụp giữ dáng hoa, dây buộc bó hoa, túi đựng hoa…;

– Với cây ăn quả thì nhựa dùng ngày càng nhiều hơn, chủ yếu để chụp các loại quả tránh côn trùng gây hại, bao bì phân bón, thuốc BVTV, thuốc kích tăng trưởng, kích hoa, thuốc đậu quả…;

Để thấy được mức độ dùng nhiều hay ít và tiềm năng ô nhiễm chất thải nhựa thì có thể tổng hợp ở bảng sau:

Có thể thấy, nhu cầu sử dụng nhựa trong trồng trọt là rất lớn và đa dạng về loại. Hiện nay, quản lý chất thải trong trồng trọt nói riêng và chất thải rắn nói chung là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác quản lý môi trường và nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Điều đó được thể hiện bằng các chính sách, pháp luật về quản lý chất thải đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 1994, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, trong đó, chất thải nhựa từ sản xuất nông nghiệp cũng được tính là các dạng chất thải cần được xử lý.

Tại điểm b khoản 3 Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 giao: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất thải trong nông nghiệp và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý;

Theo Điều 51 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về Quản lý chất thải từ hoạt động nông nghiệp có nêu rõ:

– Các chất thải nguy hại là bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

– Các bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại thì được quản lý như đối với chất thải thông thường.

– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp.

– Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp.

Đối với bao bì thuốc BVTV, loại chất thải nhựa được xếp vào loại chất thải nguy hại. Việc thu gom loại chất thải này phải được tuân thủ theo các quy định của Thông tư liên tích số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về việc hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào các bể chứa. Người sản xuất và người sử dụng thuốc BVTV phải có trách nhiệm thu gom các bao gói đã sử dụng vào các bể chứa. Bao gói đã được thu gom được vận chuyển về các nơi tập kết trước khi xử lý và được xử lý bởi đơn vị có đủ năng lực xử lý chất thải nguy hại và được cấp thẩm quyền. Các cơ quan của ngành Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn người dân sử dụng đúng thuốc BVTV và thu gom bao gói sau sử dụng vào các bể chứa. Bộ Tài nguyên và MT có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị được câp phép thu gom và xử lý đúng. Vì bao bì thuốc BVTV là một loại chất thải nguy hại nên chúng được hướng dẫn quản lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại bao gồm việc thu gom và xử lý như thế nào, đơn vị nào được thu gom và xử lý để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi…; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng…. và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.

Như vậy, các loại chất thải nhựa trong nông nghiệp thuộc loại chất thải rắn nhưng đa dạng về loại và lượng, tác động đến môi trường khác nhau, đặc biệt là tác động rất chậm nhưng khó khắc phục và cải tạo môi trường. Các chính sách quản lý chất thải rắn nói chung đã phần nào bao gồm cả chất thải nhựa. Tuy nhiên, các chính sách này đa số là hướng vào quản lý chất thải rắng nói chung, chủ yếu là chất thải sinh hoạt mà chưa thể hiện được quản lý đối với đặc thù sản xuất của ngành Nông nghiệp với nhiều tiềm năng về tái sử dụng, tái chế và thay thế để đảm bảo cho môi trường nông nghiệp được xanh và sạch hơn. Việc kiểm kê các loại chất thải nhựa này cũng chưa được làm rõ, các quy định đối với việc sử dụng, thu gom, tái sử dụng, tái chế như thế nào cũng chưa được làm rõ, đặc biệt là trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ, VietGap và tăng trưởng xanh ngày càng phát triển thì rất cần có những kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa này, như một tiềm tàng tác động bất lợi lớn đến môi trường đất nước và nông sản. Để có những chính sách đó thì cần phải có những nghiên cứu có liên quan, cung cấp những chứng cứ khoa học xác đáng.

Ý kiến bạn đọc

Thể lệ đăng bài

THỂ LỆ VIẾT VÀ GỬI BÀI       1. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT đăng tải các bài báo khoa học công bố các công trình nghiên cứu khoa học có nội dung khoa học mới, các bài tổng quan về ngành nông nghiệp và PTNT chưa gửi đăng ở bất kỳ loại hình báo chí nào....

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1387
  • Tháng hiện tại: 66452
  • Tổng lượt truy cập: 1921594
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn