CVB051

Tăng cường quản lý vấn đề đốt rơm rạ trên đồng ruộng

Đăng lúc: 21:04 12/01/2021 | Bởi: Vân Anh | Đã xem: 98
Tăng cường quản lý vấn đề đốt rơm rạ trên đồng ruộng
Lúa là cây trồng phổ biến nhất ở nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tổng diện tích lúa ở nước ta là 7,47 triệu ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (4,07 triệu ha); vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (1,21 triệu ha) và vùng Đồng bằng Sông Hồng (1.12 triệu ha).

Đốt rơm rạ trên đồng ruộng (Ảnh minh họa. Nguồn theo https://baothaibinh.com.vn/)

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (2009), chúng ta có thể sản xuất được 43,8 triệu tấn lúa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chừng đó sản lượng lúa, cũng phát thải chừng đó phụ phầm trong trồng lúa như rơm rạ, vỏ trấu, bao bì phân bón, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trong đó rơm rạ chiếm tỷ lệ rất lớn đang thải bỏ trực tiếp trên đồng ruộng cần phải được xử lý và sử dụng hiệu quả để không gây ô nhiễm môi trường, không làm lây lan dịch bệnh và thuận lợi cho việc chuẩn bị đất cho vụ mới.

Trước đây, rơm rạ sau khi thu hoạch thường được thu gom để làm nhiên liệu đun nấu, thức ăn cho gia súc, chất độn chuồng hoặc rải trên cánh đồng, cày vùi vào đất hoặc sử dụng như chất che phủ cho các cây trồng khác. Ngày nay, đời sống ở khu vực nông thôn đã được cải thiện, người nông dân chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu đã được thương mại hóa mà ít sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để đun nấu trong gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sau thu hoạch ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều vùng trồng lúa. Rơm rạ chưa khô hoàn toàn khi đốt tạo thành những đám khói đặc quánh bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống quanh khu vực đó và là nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Sự việc này rất dễ nhận ra khi vào vụ thu hoạch lúa ở vùng ven khu vực thành phố Hà Nội vào mùa thu hoạch. Khói từ rơm rạ cũng được đánh giá là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tổn hạn đến sức khỏe cộng đồng, gây ngột ngạt, khó chịu vào mùa khô và khi trời nóng oi bức. Khi rơm rạ bị đốt hoàn toàn thường có hàm lượng tro cao (> 22%) và lượng protein thấp nên lượng dinh dưỡng mất đi hầu hết khi sử dụng lại cho cây trồng trong đó lại sản sinh ra nhiều độc tố như lienoxenlulozo (37,4%), hemicelluloses (44,9%), linhin (4,9%) và hàm lượng tro silica cao (SiO2, 9 – 14%). Việc đốt rơm ngoài đồng được xem như là một biện pháp thuận lợi, rẻ tiền nhất và dần trở thành thói quen xấu của người nông dân. Đốt rơm rạ trên đồng ruộng tràn lan gây phát thải lượng khí CO2, CO, CH4, NOX, và SO2 vào trong khí quyền, ngoài gây ô nhiễm còn làm gia tăng phát thải khí nhà kính đẩy nhanh tiến trình nóng lên toàn cầu, nguyên nhân chính gây nên tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Về chính sách, pháp luật: Tác hại của việc đốt rơm rạ rất rõ, trước yêu cầu về bảo vệ môi trường, xử lý và tái sử dụng hiệu quả chất hữu cơ có trong rơm rạ thì việc xây dựng các chính sách, pháp luật quản lý việc đốt rơm rạ là hết sức cần thiết để tiến tới sản xuất lúa bền vững, bảo vệ môi trường. Để ngăn chặn tình trạng nàyđã có một số văn bản pháp luật quản lý được ban hành nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ như:

  • Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/2012 về việc phê duyệt đề án quản lý chất thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó tập trung vào: (i) ứng dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm và giảm chi phí đầu vào; (ii) thu gom, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hữu cơ trong canh tác rau màu, mía, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; (iii) phát triển công nghệ khí sinh học và hoàn thiện hệ thống thu gom, lưu trữ, xử lý phân chuồng trong chăn nuôi gia súc, . Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các hoạt động hỗ trợ chính sách thông qua cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon nhằm quản lý hiệu quả hơn chất thải trồng trọt nói chung và rơm rạ nói riêng.
  • Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2013 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong đó cũng xác định ưu tiên xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
  • Quyết đinh số 3119/QĐ-BNN-KHCN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 16/12/2011 về việc phê duyệt đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến , Quyết định 819/QĐ-BNN-KHCN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 26/3/2016 về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2050 cũng đều có đề cập đến việc thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp khác nhằm hạn chế tối đa tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng.
  • Thông tư 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/3/2013 có hướng dẫn thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: trồng nấm, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất đốt, sinh khối sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt, chế biến, bảo quản .

Dựa trên các chính sách pháp luật có liên quan, các địa phương cũng có những văn bản chỉ đạo, xử lý vấn đề đốt rơm rạ như văn bản số 6454/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội ngày 09/11/2016 về hạn chế đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa của người dân trên địa bàn Thành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản khuyến nghị các địa phương hạn chế việc đốt rơm rạ để tránh tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân.

Về công nghệ xử lý và tái sử dụng rơm rạ: Trong thực tiễn sản xuất lúa và quản lý chất thải sau trồng lúa cũng có thể thấy rằng công nghệ tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt nói chung, rơm rạ nói riêng để sản xuất năng lượng, phân bón đã được phát triển nhưng vẫn còn thiếu các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học, quy mô chưa phù hợp với đặc thù nông nghiệp, nông thôn (quy mô phân tán, nhỏ lẻ), thiếu tổ chức liên kết, hợp tác để áp dụng đồng bộ các giải pháp từ thu gom, quản lý, xử lý và tiêu thụ sản phẩm sau xử lý và thiếu các cơ chế chính sách cho việc ứng dụng các công nghệ xử lý, sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm trồng trọt.

Về tổ chức quản lý: Lượng phụ phẩm trồng trọt lớn, có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối và phân bón hữu cơ cao nhưng việc thu gom và phân loại các chất thải còn rất hạn chế cả về biện pháp quản lý phù hợp như tổ chức thu gom và quản lý sau thu gom rơm rạ. Theo kết quả đánh giá mới chỉ có 40% chất thải sinh hoạt nông thôn nói chung, 30% phụ phẩm trồng trọt và dưới 60% chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý phù hợp và khoảng 20% chất thải chăn nuôi được sử dụng cho sản xuất năng lượng bằng công trình sinh . Kết quả này cho thấy có sự lãng phí lớn nguồn sinh khối giầu hữu cơ, dễ xử lý và tái sử dụng cho các mục tiêu năng lượng và phân bón, đồng thời cũng làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), trong tổ chức quản lý còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối, chưa rõ trách nhiệm quản lý, vai trò cấp quản lý cơ sở còn rất hạn chế đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ.

Về hoạt đông của thị trường cho các sản phẩm sản xuất từ phụ phẩm trồng trọt: Chi phí chuyển đổi năng lượng từ chất thải, sản xuất phân bón chưa được tính toán đầy đủ, các chi phí tính toán chủ yếu chỉ dựa trên các chi phí thu gom, xử lý sơ bộ, thiếu các nghiên cứu về hỗ trợ tài chính linh hoạt cho các hoạt động xử lý, chuyển đổi phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi và chất thải sinh hoạt nông thôn thành năng lượng dựa trên khía cạnh bảo vệ môi trường, thiếu các hoạt động phát triển thị trường cho năng lượng sản xuất từ chất thải sinh khối.

Do vậy, để tăng cường công tác quản lý và hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, các cơ quan quản lý của Bộ/Ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ đi cùng với các chính sách, xây dựng và làm rõ các chế tài xử lý vi phạm trong việc đốt rơm rạ, cần có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nông dân thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ cho các mục tiêu năng lượng và sản xuất phân bón như phát triển các mô hình thu gom phù hợp theo quy mô nhóm hộ, hợp tác xã; phát triển các công nghệ xử lý, phối trộn để nâng cao giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cho các sản phẩm sản xuất từ rơm rạ; phát triển và tổ chức hoạt động của thị trường cho các sản phẩm sản xuất từ rơm rạ, vỏ trấu nói riêng và phụ phẩm trồng trọt nói chung.

Theo Viện Môi trường Nông nghiệp

Ý kiến bạn đọc

Thể lệ đăng bài

THỂ LỆ VIẾT VÀ GỬI BÀI       1. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT đăng tải các bài báo khoa học công bố các công trình nghiên cứu khoa học có nội dung khoa học mới, các bài tổng quan về ngành nông nghiệp và PTNT chưa gửi đăng ở bất kỳ loại hình báo chí nào....

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 20
  • Hôm nay: 1380
  • Tháng hiện tại: 66426
  • Tổng lượt truy cập: 1714777
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn