CVB051

Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi

Đăng lúc: 21:18 12/01/2021 | Bởi: Vân Anh | Đã xem: 172
Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi
Chăn nuôi của Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng nhờ thực hiện những chiến lược phát triển ngành chăn nuôi do Chính phủ đề ra, tuy nhiên trên thực tế, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp vẫn còn thấp, chưa thể đạt được mục tiêu đến hết năm 2020 là 42%.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong 3 khâu: sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì chúng ta mới chỉ làm tốt được khâu sản xuất thông qua việc thúc đẩy và nâng cao năng lực sản xuất, còn về mảng chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả còn thấp. Kết hợp với những vấn đề dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 khiến cho ngành chăn nuôi gặp phải rất nhiều những khó khăn. Tuy nhiên, chính trong điều kiện khó khăn như vậy lại là cơ hội để ngành chăn nuôi thực hiện các bước chuyển đổi mạnh mẽ để góp phần nâng cao tỉ trọng, tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020) của Thủ tướng Chính phủ, 5 đề án được ưu tiên sẽ bao gồm:
1. Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi;
2. Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi;
3. Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải;
4. Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;
5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi
Để thực hiện được những tiêu chí trên, việc ứng dụng chuyển đổi số là một hướng đi tất yếu giúp đẩy nhanh sự phát triển. Một số công nghệ tiêu biểu cho chuyển đổi số có thể ứng dụng trong ngành chăn nuôi như:
Sử dụng Robot tự động
Robot sẽ dần được áp dụng và thay thế con người trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, robot có thể thực hiện các công việc như: phối trộn thức ăn chăn nuôi, vắt sữa, phân loại chất lượng sản phẩm… Thế hệ robot đầu tiên được sử dụng trong nông nghiệp là những robot ngoài trời được sử dụng trong các hoạt động như tưới nước và trồng trọt. Thế hệ robot thứ hai là những robot cơ sở sử dụng cho các mục đích theo dõi năng suất cây trồng, kiểm soát các hoạt động canh tác. Thế hệ robot thứ ba là các loại robot được sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi.
Nông nghiệp chính xác
Khái niệm nông nghiệp chính xác ở đây chính là việc tối ưu hóa mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm tối thiểu sự ảnh hưởng tới môi trường nhưng có thể tối đa hóa sản phẩm thu được. Nông nghiệp chính xác phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng trọt nhưng cũng có thể áp dụng cho chăn nuôi. Sự phát triển đó được định hướng thông qua 3 bộ phận cấu thành. Phần thứ nhất liên quan đến công nghệ dựa trên cảm biến để thu thập một số thông số liên quan đến tình trạng sức khỏe của vật nuôi, có khả năng cập nhật dữ liệu liên tục. Phần định hướng thứ hai dựa trên cơ sở những phân tích của phần thứ nhất để tối ưu hóa quy trình. Phần định hướng thứ ba bao gồm các hệ thống điều khiển các loại máy móc, được cài đặt dựa trên cơ sở dữ liệu đầu vào đã được thu thập. Đây là sự tích hợp của rất nhiều những công nghệ như điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, Internet vạn vật, và phân tích dữ liệu lớn.
Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến
Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) là một hệ thống thu và phát tín hiệu đặc biệt được phát triển vào cuối Thế chiến thứ II nhưng hiện nay đã được áp dụng đặc biệt hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. RFID là một hệ thống bao gồm bộ phát được đặt cho một vật thể hoặc động vật chứa một mã nhận dạng và một bộ đọc có khả năng đọc được các mã nhận dạng đó dựa trên các tần số khác nhau từ đó giúp nhận dạng tự động, không tiếp xúc và khoanh vùng các vật thể. Công nghệ này được áp dụng để phát hiện động vật tại các máy cho ăn tự động, trong quản lý chăn nuôi. Tùy thuộc vào tấn số sóng được sử dụng mà phạm vi có thể thay đổi từ vài cemtimet đến 10 mét. Phạm vi đó cũng có thể được tăng lên bằng cách lắp bộ tiếp sóng. Giờ đây, RFID thậm chí còn được thử nghiệm để xác định và định vị toàn bộ nông trại từ vật nuôi.
Các hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp
Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP – Enterprise Resource Planning) là hệ thống ứng dụng phần mềm đa phân hệ, giúp doanh nghiệp quản lý các hoạt động chủ chốt như: kế toán, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất, … ERP được xem là một giải pháp quản trị doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới hiện nay 4. Nhiều phần mềm ERP trong nông nghiệp, cụ thể là trong lĩnh vực chăn nuôi có thể kể đến như ERP SAP S/4HANA ( công ty SAP AG – Đức) phát triển cho Tập đoàn Mavin 5, Việt Nam; hay AKOLogic do công ty AKOL – Israel phát triển 6, …
Dù khoảng cách tới các công nghệ tiên tiến còn rất xa nhưng khi các quốc gia khác còn đang phải đương đầu với vấn đề dịch bệnh thì đây là thời cơ vàng để nền kinh tế Việt Nam bứt tốc nhằm thu hẹp khoảng cách với các quốc gia tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trích nguồn: Tạp chí nông nghiệp số: #1/ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc

Thể lệ đăng bài

THỂ LỆ VIẾT VÀ GỬI BÀI       1. Tạp chí Nông nghiệp và PTNT đăng tải các bài báo khoa học công bố các công trình nghiên cứu khoa học có nội dung khoa học mới, các bài tổng quan về ngành nông nghiệp và PTNT chưa gửi đăng ở bất kỳ loại hình báo chí nào....

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 1321
  • Tháng hiện tại: 66491
  • Tổng lượt truy cập: 1507058
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn